1. Giới thiệu về màn hình hiển thị
Hình 1: Màn hình hiển thị với 25 đèn nhỏ ở mặt trước của MicroBit
MicroBit có tất cả 25 đèn nhỏ (còn gọi là LED) được tổ chức thành 5 hàng và 5 cột như Hình 1. Có rất nhiều cách để hiển thị nội dung mong muốn ra màn hình hiển thị này. Tuy nhiên trong bài học này chúng ta sẽ tập trung vào việc sử dụng câu lệnh show leds. Câu lệnh này nằm trong mục Basics, có màu xanh dương, như hình bên dưới:
Hình 2: Câu lệnh show leds phục vụ cho việc hiển thị
2. Nguyên tắc sử dụng câu lệnh show leds
Câu lệnh này đưa ra một giao diện tương tác rất sinh động với màn hình hiển thị 25 led của MicroBit. Chúng ta muốn bóng đèn nào sáng, chỉ cần nhấp chuột vào nó. Khi muốn bóng đèn đó tắt, chúng ta nhấp thêm một lần nữa. Trong ví dụ dưới đây, một hình vuông sẽ được hiển thị trên mạch MicroBit
Hình 3: Sáng một hình vuông trên màn hình hiển thị
Câu hỏi trên lớp: Hãy giải thích sự giống nhau và khác nhau của đoạn chương trình ở Hình 3 và Hình 4.
Hình 4: Một chương trình khác để hiển thị hình vuông
Giống nhau: Đều hiển thị hình vuông ra màn hình hiển thị.
Khác nhau: Chương trình ở Hình 4 chỉ gửi lệnh hiển thị ra màn hình 1 lần duy nhất mà thôi. Tuy nhiên đèn sẽ sáng mãi mãi cho đến khi nào nó nhận một lệnh tắt đi. Ngược lại, ở Hình 3, đèn sẽ liên tục nhận lệnh phải sáng. Như vậy, chúng ta có thể thấy, chương trình ở Hình 4 là tối ưu hơn so với Hình 3, mặc dù kết quả của chúng là giống nhau.
3. Câu lệnh tạo hiệu ứng đợi pause
Trong bài này, để có thể hiển thị nhiều nội dung hấp dẫn, chúng ta cần sử dụng thêm câu lệnh đợi. Câu lệnh này có tên là pause và cũng nằm cùng nhóm Basic với câu lệnh show leds.
Hình 5: Câu lệnh tạo hiệu ứng đợi
Đơn vị thời gian trong câu lệnh này là mili giây. Chúng ta có thể thấy đây là câu lệnh có thể lựa chọn thông số bên trong bằng cách nhấn vào phím mũi tên bên phải như hình dưới đây:
Hình 6: Các thông số được phép lựa chọn của câu lệnh đợi
Như hình bên trên, thời gian đợi tối đa chỉ là 2 giây mà thôi. Nếu chúng ta muốn tạo hiệu ứng đợi lâu hơn, có 2 cách sau đây:
- Ghép nhiều câu lệnh pause với nha.
- Gõ tay vào ô màu trắng thời gian mong muốn. Ví dụ muốn đợi 5 giây, chúng ta sẽ gõ vào 5000, do đơn vị ở đây là mili giây.
Một chương trình gợi ý về việc tạo ra một hiệu ứng hiểu thị trên MicroBit như sau:
Hình 7: Một chương trình tạo hiệu ứng đơn giản
Bài tập
Học sinh viết một chương trình hiển thị hình trái tim (câu lệnh show icon) trong 2 giây đầu tiên. Sau đó, thiết kế hiệu ứng pháo hoa lặp đi lặp lại trên màn hình hiển thị. Đáp án: Do hình trái tim chỉ hiển thị 1 lần, nên câu lệnh show icon sẽ được dùng trong phần on start. Các câu lệnh tạo hiệu ứng pháo hoa sẽ được hiện thực trong phần forever. Một gợi ý cho chương trình này như sau:
Hình 8: Đáp án gợi ý
4. Lưu và mở lại chương trình
Một nhu cầu tất yếu của việc lập trình là Lưu và Mở lại chương trình. Trước tiên, để lưu chương trình hiện tại, chúng ta có 2 bước cơ bản, như minh họa ở Hình 9:
Đặt tên cho chương trình cần lưu
Nhấn vào nút Save và chọn đường dẫn để lưu
Hình 9: Các bước cơ bản để lưu chương trình
Lưu ý: Chương trình sẽ được lưu lại với định dạng file .hex
Để mở lại chương trình cũ và tiếp tục lập trình, từ màn hình chính, chúng ta chọn Import ở góc bên phải màn hình, như mô tả ở Hình 10:
Hình 10. Chọn vào Import để mở lại chương trình cũ.
Hình 11. Chọn tiếp Import File và chọn tới đường dẫn file đã lưu trước đó.
Một giao diện như hình 11 sẽ hiện ra, chúng ta chọn tiếp Import File và chọn tới đường dẫn file hex đã lưu trước đó.
Bài tập về nhà
Học sinh thiết kế các hiệu ứng đẹp trên màn hình MicroBit, lưu lại chương trình và trình bày cho lớp vào hôm sau.