1. NGƯỜI QUẢN TRỊ CƠ SỞ DỮ LIỆU
Theo quy định về ngành nghề, người thực thi hoạt động quản trị CSDL được gọi là nhà QTCSDL mà trong thực tế thường được gọi đơn giản là người QTCSDL. Nhà QTCSDL có những nhiệm vụ chính sau:
- Cài đặt và cập nhật các hệ QTCSDL
- Tạo lập và điều chỉnh CSDL
- Đảm bảo tài nguyên cho các hoạt động CSDL
- Đảm bảo an toàn, bảo mật
Nhà QTCSDL phải phối hợp với những người thiết kế hệ thống và các bộ phận nghiệp vụ để phân quyền sử dụng dữ liệu đến từng nhóm người dùng, sau đó sử dụng hệ QTCSDL để thiết lập quyền truy cập dữ liệu; điều chỉnh quyền truy cập dữ liệu khi có biến động về nhân sự hay nghiệp vụ.
Nhà QTCSDL phải thường xuyên các bản sao lưu dữ liệu dự phòng để khi gặp sự cố có thể khôi phục dữ liệu, nhất là các sự cố liên quan đến phần cứng. Thường xuyên giám sát phát hiện sớm các sự cố dữ liệu để khắc phục kịp thời.
Ngoài các công việc chính đã nêu trên, các nhà QTCSDL có thể tham gia các hoạt động nghiên cứu, xây dựng các quy trình và tư vấn về các vấn đề có liên quan đến CSDL.
2. PHẨM CHẤT VÀ NĂNG LỰC CỦA NGƯỜI QUẢN TRỊ CSDL
Nhà QTCSDL cần có nền tảng tốt về CSDL, hiểu được các mô hình CSDL. Tuy nhiên, kỹ năng làm việc trên các hệ thống cụ thể đặc biệt cần thiết.
Nhà QTCSDL cần có một số phẩm chất cần thiết sau:
- Tính cẩn thận, tỉ mỉ, kiên trì. Cùng với khả năng phân tích, các phẩm chất này giúp nhà QTCSDL phát hiện và xử lí sự cố tốt hơn.
- Tinh thần ham học. Cùng với kĩ năng ngoại ngữ và tìm kiếm thông tin, phẩm chất này giúp nhà QTCSDL có khả năng tự học để nắm bắt được công nghệ mới liên quan đến QTCSDL.
3. CƠ HỘI VIỆC LÀM
Đã từ lâu, ở những nơi có mức độ tin học hoá cao như các tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm hay các cơ quan nhà nước cung cấp các dịch vụ công, các công ty tin học lớn,... đều cần các nhà QTCSDL để đảm bảo các hệ thống ứng dụng hoạt động thông suốt.