DÀNH ÍT PHÚT ĐỌC ĐỂ KHÔNG BỊ LỪA ĐẢO


1. Thủ đoạn giả danh các tổ chức, các Công ty tổ chức sự kiện chạy marathon, học kỳ Quân đội, … cho học sinh.

Đối tượng sử dụng các trang fanpage giả mạo trên mạng xã hội Facebook, Zalo để tổ chức các sự kiện chạy marathon, học kỳ Quân đội, tham gia các chương trình hoạt động hè miễn phí cho các em học sinh. Khi phụ huynh kết nối đăng ký, các đối tượng sẽ dụ dỗ phụ huynh mua các sản phẩm để nhận khuyến mãi và ủng hộ cho các quỹ khi tham gia các chương trình này. Khi phụ huynh học sinh chuyển tiền mua sản phẩm theo đường link các đối tượng cung cấp ngay lập tức sẽ khóa tài khoản mạng xã hội và chiếm đoạt số tiền phụ huynh đã gửi.

2. Thủ đoạn hack Facebook và dùng công nghệ deepfake lừa đảo mượn tiền.

Đối tượng hack Facebook và chiếm quyền sử dụng tài khoản chính chủ, đồng thời nhanh chóng tìm kiếm lịch sử tin nhắn của chủ tài khoản để nghiên cứu các mối quan hệ, cách xưng hô, trò chuyện, … Sau đó, đối tượng mạo danh chủ tài khoản dùng lý do có việc gấp cần tiền ngay, sẽ trả trong thời gian ngắn để nhắn tin vay, mượn tiền thông qua hình thức chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng. Nhiều nạn nhân do thiếu cảnh giác, tưởng đó là người quen nên không kiểm tra mà chuyển tiền ngay vào tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp hoặc khi nạn nhân gọi video đến kiểm tra thì các đối tượng sử dụng công nghệ deepfake để ghép mặt người thân vào video đánh lừa nạn nhân. 

3. Thủ đoạn gửi tin nhắn mạo danh thông tin từ các ngân hàng để khóa thẻ tín dụng.

Đối tượng tìm hiểu thông tin về nạn nhân đang có thẻ tín dụng tại các ngân hàng. Các đối tượng sẽ liên lạc với nạn nhân và dụ dỗ làm theo hướng dẫn để khóa thẻ tín dụng tránh mất phí thường niên. Khi nạn nhân không có nhu cầu dùng thẻ tín dụng và sợ mất phí duy trì thẻ nên cung cấp mã OTP cho đối tượng. Ngay lập tức đối tượng sẽ vào tài khoản tín dụng của nạn nhân và chiếm đoạt toàn bộ số tiền trong thẻ. 

4. Thủ đoạn giả danh lực lượng Công an yêu cầu đăng ký định danh điện tử.

Các đối tượng liên lạc với bị hại qua mạng xã hội hoặc qua số điện thoại, sau đó tự giới thiệu là cơ quan Công an yêu cầu bị hại đăng ký làm định danh mức 2 online không cần đến trụ sở cơ quan Công an. Đối tượng yêu cầu bị hại tải app “Congdichvucongquocgia” hoặc chia sẽ đường link để đăng nhập. Khi bị hại tải app hoặc kích vào đường link sẽ hiện nội dung yêu cầu cung cấp các giấy tờ cá nhân (CCCD, tài khoản ngân hàng, …). Khi bị hại nhập thông tin cá nhân, ngay lập tức các đối tượng sẽ chiếm đoạt quyền sử dụng điện thoại cá nhân của bị hại và thực hiện thao tác chuyển tiền từ tài khoản của bị hại về tài khoản của đối tượng để chiếm đoạt. 

5. Thủ đoạn lợi dụng thiên tai, dịch bệnh, … để giả danh kêu gọi quyên góp từ thiện.

Lợi dụng tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn ra phức tạp, đánh vào lòng thương cảm của người dân để chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng dùng tài khoản mạng xã hội giả danh mạnh thường quân đứng ra kêu gọi người dân ủng hộ cho đồng bào đang chịu hậu quả thiên tai, dịch bệnh. Khi người dân tin tưởng chuyển tiền vào số tài khoản ngân hàng do các đối tượng cung cấp sẽ bị các đối tượng chiếm đoạt. 

6. Thủ đoạn giả danh nhân viên Công ty Điện lực.

Đối tượng liên lạc với bị hại bằng số điện thoại tự gới thiệu là nhiên viên Công ty Điện lực yêu cầu bị hại kiểm tra lại thanh toán hóa đơn tiền điện và cập nhật thông tin khách hàng theo mẫu mới, yêu cầu bị hại tải ứng dụng để thực hiện. Sau khi tải ứng dụng và làm theo hướng dẫn thì bị đối tượng chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng. 

7. Thủ đoạn lừa mua sản phẩm khi tham gia cuộc thi Olympic toán học Quốc tế trên mạng xã hội Facebook, Telegram.

Sau khi truy cập vào trang Facebook có tên “Cuộc thi Olympic toán học Quốc tế SASMO 2025”, bị hại được các đối tượng hướng dẫn đăng ký thi cho con để ôn tập, thi và được nhận các suất quà khi cho con tham gia. Các đối tượng đưa bị hại vào một nhóm trên ứng dụng Telegram yêu cầu làm theo hướng dẫn để đăng ký hồ sơ bằng cách mua sản phẩm thông qua chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng cho các đối tượng và bị chiếm đoạt toàn bộ số tiền trên.

8. Hỗ trợ bị hại nhận lại tiền. 

Đối tượng tạo các Công ty tư vấn, Công ty Luật... giả trên các trang mạng xã hội trợ giúp bị hại nhận lại tiền đã chuyển cho các đối tượng; khi bị hại liên lạc, yêu cầu hỗ trợ đòi lại tiền thì các Công ty, cá nhân này yêu cầu bị hại phải trả phí, sau đó đưa ra nhiều lý do và chiếm đoạt tiền của bị hại. 

9. Thủ đoạn lừa bán hàng.

Thông qua các trang, mạng xã hội biết bị hại đang kinh doanh các lĩnh vực sắt, thép, củi, … các đối tượng lừa đảo chủ động liên lạc với bị hại để thỏa thuận giá cả và thống nhất đặt mua số lượng lớn hàng hóa. Sau đó, yêu cầu bị hại vận chuyển hàng đến địa điểm giao, nhận hàng do các đối tượng cung cấp (nằm ngoài tỉnh). Khi hàng hóa được vận chuyển đến địa điểm giao, nhận hàng thì không liên lạc được với người mua hàng, gây thiệt hại tiền công vận chuyển số hàng trên. 

10. “Bẫy tình” trên mạng xã hội.

Đối tượng giả làm quân nhân, doanh nhân nước ngoài kết bạn, tán tỉnh, yêu đương, gợi ý sẽ gửi quà có giá trị hoặc gửi tiền về Việt Nam để đầu tư, sau đó giả làm nhân viên Hải quan, Ngân hàng yêu cầu đóng phí cho chúng để được nhận hàng, tiền. 

11. Tuyển cộng tác viên làm việc nhẹ, lương cao.

Đối tượng giới thiệu làm việc nhẹ lương cao trực tuyến trên các cửa hàng Lazada, Shopee, Tiki, Yody... chốt đơn hàng ảo, bình chọn sản phẩm nhận hoa hồng, bị hại chỉ nhận được tiền trong vài lần đầu, đến đơn hàng và số tiền lớn hơn sẽ báo lỗi, không nhận được tiền; hoặc đề nghị bị hại tham gia các trò chơi có thưởng, yêu cầu nộp phí và chiếm đoạt tiền của bị hại. 

12. Thủ đoạn dụ dỗ “Chat sex”.

Thủ đoạn của các đối tượng là nhắn tin tán tỉnh và gửi cho bị hại nhữnghình ảnh hở hang, clip nhạy cảm rồi dụ dỗ bị hại “chat sex”. Quá trình “chat sex”, các đối tượng sẽ bí mật quay lại màn hình, sau khi có được những hình ảnh, video này, các đối tượng sẽ yêu cầu bị hại chuyển tiền và đe dọa sẽ phát tán những nội dung này cho bạn bè, người thân, đồng nghiệp của bị hại hoặc phát tán lên mạng xã hội. Nếu bị hại chuyển tiền theo hướng dẫn của các đối tượng, chúng lại tiếp tục yêu cầu bị hại chuyển thêm tiền với số tiền càng ngày càng tăng cho đến khi bị hại không còn khả năng tài chính.    

 

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn
Responsive Advertisement
Responsive Advertisement4