Bài 11 - Ứng xử trên môi trường số. Nghĩa vụ tôn trọng bản quyền - Hướng dẫn giải bài tập

 1. NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẠO ĐỨC, PHÁP LUẬT VÀ VĂN HOÁ

Em hãy lấy ví dụ về các vấn đề tiêu cực có thể nảy sinh khi tham gia các hoạt động sau trên mạn.

a. Tranh luận trên facebook

Một vài hành vi xấu có thể khi tranh luận trên mạng xã hội facebook: tranh luận thiếu văn hoá, đưa các nội dung sai sự thật hoặc vi phạm tính riêng tư của người khác,...

b. Gửi thư điện tử

Một vài hành vi xấu có thể khi gửi thư điện tử: gửi thư rác, thư gắn kèm mã độc có mục đích phát tán mã độc, gửi thư cho nhiều người có nội dung vu khống hay nhục mạ người khác,...

2. MỘT SỐ QUY ĐỊNH PHÁP LÍ ĐỐI VỚI NGƯỜI DÙNG TRÊN MẠNG

Câu 1. Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 vào đầu năm 2021, một cá nhân đã đăng tin sai về hành trình đi lại của một bệnh nhân bị dương tính với virus Covid-19. Sự việc này đã gây hoang mang cho cả một khu dân cư.

Theo em, cá nhân trên đã vi phạm điều nào trong bộ các Luật liên quan đến Công nghệ thông tin?

Hành vi đưa tin sai gây hoang mang cho người dân đã vi phạm điều 8 khoản 1, điểm d của Luật An ninh mạng, điều 101, khoản 1, điểm d của Nghị định 15/2020/NĐ-CP.

Câu 2. Trên mạng hiện nay có rất nhiều quảng cáo sai sự thật. Quảng cáo sai về việc tác dụng của một loại thuốc sẽ bị phạt theo mục nào của điều 101 khoản 1 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP?

Việc quảng cáo thuốc trên mạng sai sự thật đã vi phạm điểm a, khoản 1, điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.

3. QUYỀN TÁC GIẢ VÀ BẢN QUYỀN

Câu 1. Trong các hành vi sau, những hành vi nào là vi phạm bản quyền?

A. Sao chép các đĩa cài đặt phần mềm

B. Một người bạn của em mua tài khoản học một khóa tiếng Anh trực tuyến. Em mượn tài khoản để cùng học.

C. Phá khóa phần mềm chỉ để thử khả năng phá khóa chứ không dùng.

D. Em dùng nhờ môt phần mềm trên máy tính của bạn.

Các hành vi A và C là vi phạm bản quyền dù không dùng. Trường hợp A sao chép không được phép. Trường hợp C đã vô hiệu hoá các biện pháp kĩ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thiết lập.

Trường hợp B. khi mua bài học trực tuyến, quyền được tính trên một tài khoản (không cài đặt nên không theo máy). Việc học chung một tài khoản không vi phạm bản quyền. Trường hợp D không vi phạm bản quyền vì phần mềm vẫn chỉ cài trên một máy tính.

Câu 2. Em hãy nêu ví dụ về một hành vi vi phạm bản quyền đối với sản phẩm Tin học.

Các trường hợp vi phạm đã nêu trong bài học.

LUYỆN TẬP

Câu 1. Trong các ý kiến sau, em đồng ý, không đồng ý hoặc chỉ đồng ý một phần với các ý kiến nào? Tại sao?

a. Chúng ta có quyền đưa lên mạng xã hội tất cả các tin không phải là tin giả.

b. Chúng ta có quyền đưa lên mạng xã hội tất cả các tin miễn là không có hại đến cá nhân ai.

c. Chúng ta có quyền đưa lên mạng xã hội tất cả các tin miễn là không vi phạm pháp luật.

a) Có những tin đúng, vẫn không được đưa lên mạng (ví dụ đưa tin về một án mạng có những chi tiết rùng rợn là sai dù tin đưa là đúng).

b) Có những tin không có hại đến cá nhân ai nhưng vẫn không được đưa tin lên mạng (ví dụ các tin liên quan đến an ninh quốc gia).

c) Về nguyên tắc, chúng ta có quyền đưa lên mạng xã hội tất cả các tin miễn là không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên rất nên cân nhắc về khía cạnh đạo đức.

2. Trong đại dịch Covid-19, một người dùng Facebook đã chia sẻ tin “Bắt đầu từ ngày 28/3/2020, toàn thành phố Hồ Chí Minh sẽ bị phong tỏa trong 14 ngày …”. Khi bị triệu tập để xử phạt, người này đã chứng minh rằng anh ta chỉ đưa lại một tin chứ không bịa. Người này sai ở đâu?

Việc chia sẻ lại một tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân theo điểm d) Khoản 1 Điều 8 của Luật An ninh mạng là vi phạm pháp luật và sẽ bị phạt theo điểm d khoản 1 Điều 101 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP.

 

VẬN DỤNG

Câu 1. Nếu đăng lên mạng xã hội nhận xét có tính xúc phạm đến một người khác thì hành vi này là:

A. Vi phạm pháp luật

B. Vi phạm đạo đức.

C. Tùy theo mức độ, có thể vi phạm đạo đức hay pháp luật.

D. Không vi phạm gì.

Theo quy định nêu trong Điều 12 khoản 2 của Luật Công nghệ Thông tin thì việc việc đưa tin lên mạng xúc phạm đến danh dự, uy tín của tổ chức hay công dân là vi phạm pháp luật.

Mức phạt theo điều 101 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP có thể từ 10 triệu đến 20 triệu đồng.

Câu 2. An nhắc Bình về việc Bình dùng phần mềm lậu và giảng giải cho Bình biết các quy định về quyền tác giả. Nghe xong Bình bảo: “Trước đây mình không biết, mà không biết là không có lỗi”. Quan niệm của Bình như vậy có đúng không?

Trách nhiệm của công dân là phải tự tìm hiểu và thực hiện đúng các quy định của pháp luật, việc vi phạm pháp luật do không hiểu pháp luật là có lỗi.

 

--- THE END ---

Đăng nhận xét