1. MẠNG LAN VÀ INTERNET
Để kết nối điện thoại,
máy tính hay ti vi với Internet, phải đăng kí qua một nhà cung cấp dịch vụ
Internet như Viettel, FPT, VNPT, … Em có biết nhà cung cấp dịch vụ Internet nào
khác không ? Em dùng dịch vụ của nhà cung cấp nào ?
Ở Việt Nam, có khoảng một chục
nhà cung cấp dịch vụ Internet, những nhà cung cấp lớn nhất tính tới năm 2020
là:
- Tập đoàn Bưu chính Viễn thông
Việt Nam VNPT.
- Tổng Công ty Viễn thông Quân đội
– Viettel.
- Công ty FPT thuộc Bộ Khoa học
và Công nghệ.
Ngoài ra còn có Công ty NetNam,
Công ty Cổ phần Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn - SPT, Công ty Cổ phần Viễn
thông Hà Nội, Tổng Công ty Truyền thông Đa phương tiện VTC, Công ty Điện toán
và Truyền số liệu VDC, Tập đoàn Công nghệ CMC,...
2. VAI TRÒ CỦA INTERNET
Câu 1 : Em hãy
nêu một số ứng dụng của Internet đối với hoạt động giải trí
Một vài ứng dụng của Internet
trong hoạt động giải trí: đọc tin tức, giao tiếp với cộng đồng qua trò chuyện
trực tuyến hoặc các mạng xã hội, nghe nhạc, xem phim, chơi trò chơi trực tuyến.
Câu 2. Em hãy nêu một
số ứng dụng của Internet đối với hoạt động bảo vệ sức khỏe
Một vài ứng dụng của Internet
trong hoạt động bảo vệ sức khoẻ: thông tin về bảo vệ sức khoẻ trong các trang
tin y tế, bệnh án điện tử giúp có thể theo dõi sức khoẻ ở bất cứ bệnh viện nào,
chăm sóc sức khoẻ từ xa (telemedecine), khai báo y tế trực tuyến trong phòng chống
dịch,...
3. ĐIỆN TOÁN ĐÁM MÂY
Câu 1. Báo điện tử,
giúp mọi người có thể đọc tin tức hằng ngày có phải là dịch vụ đám mây không ?
Dịch vụ điện toán đám mây là dịch
vụ thuê bao phần mềm hay phần cứng qua Internet. Vì thế đọc tin trên các
website tin tức không phải là sử dụng dịch vụ đám mây.
Câu 2. Thư điện tử
Gmail có phải là dịch vụ đám mây không ?
Thư điện tử Gmail là một dịch vụ
đám mây. Trong trường hợp này người dùng đã sử dụng phần mềm gửi, nhận, quản trị
thư điện tử qua Internet. Google không thu phí với người dùng cá nhân nhưng thu
phí của các tổ chức. Rất nhiều trường đại học ở Việt Nam dùng Gmail với tên miền
riêng để làm hệ thống thư của mình và phải trả phí theo quy mô người dùng.
4. KẾT NỐI VẠN VẬT
LUYỆN TẬP
Câu 1. Phân tích ích
lợi của giải pháp thu phí không dừng trên đường cao tốc.
Lợi ích của hệ thống thu phí
không dừng.
Tính đến cuối năm 2020, Việt Nam
có khoảng một trăm trạm thu phí đầu tư công tư gọi là các trạm BOT. Xe đi qua
phải trả phí sử dụng đường.
Có rất nhiều vấn đề đặt ra đối với
BOT như:
- Thanh toán bằng tiền mặt mất rất
nhiều thời gian gây ách tắc giao thông tại các trạm thu phí.
- Phải in vé, kiểm soát vé.
- Hằng ngày phải tổng hợp số liệu
bán vé của từng trạm và tổng hợp tình hình thu phí của các trạm.
- Khó kiểm soát tình trạng gian lận,
như thu tiền không đưa vé, quay vòng vé đã sử dụng. Có tình trạng một số dự án
làm đường cao tốc cố tình gian lận bằng cách sửa số liệu để báo cáo, kéo dài thời
gian hoàn vốn.
Với giải pháp thu phí không dừng,
có một cơ sở dữ liệu thu phí toàn quốc, khi xe chạy qua, hệ thống đọc thẻ RFID
sẽ thu phí tự động qua tài khoản của chủ xe và mở thanh chắn cho xe qua nếu tài
khoản đủ tiền để trả. Giải pháp này tiện lợi cho lái xe, không phải chuẩn bị tiền
mặt, giảm thời gian đi qua trạm, không phải in vé, không phải bán vé và soát
vé, số liệu thu phí được chuyển tức thời về cơ sở dữ liệu, tổng hợp nhanh chóng
và làm giảm hẳn tình trạng gian lận.
Câu 2. Các mạng xã
hội như facebook, youtube cho mọi người sử dụng miễn phí, nhưng nếu ai sử dụng để
bán hàng hay quảng cáo thì phải trả tiền. Đây có phải là dịch vụ đám mây không?
Phần lớn các mạng xã hội như đều
có mục đích kinh doanh. Thông thường, các mạng xã hội đều miễn phí cho các hoạt
động cộng đồng và thu phí đối với hoạt động kinh doanh. Muốn được sử dụng mạng
xã hội, người dùng phải đăng kí và được cấp tài khoản.
Khi đăng kí kinh doanh, ví dụ bán
hàng trực tuyến, người dùng đã phải thuê bao phần mềm bán hàng, giúp họ có thể
giới thiệu hàng hoá, tiếp nhận đơn hàng, phân tích nhu cầu của khách hàng để gửi
quảng cáo đến người dùng. Đó chính là các dịch vụ đám mây.
VẬN DỤNG
Câu 1. Tìm hiểu qua Internet một ứng dụng điện toán đám mây của
một doanh nghiệp Việt Nam.
Có rất nhiều doanh nghiệp cung cấp các nền tảng trực
tuyến. Có thể tra theo từ khoá “Kế toán trực tuyến”, “Đào tạo trực tuyến” hay
“Quản lí doanh nghiệp trực tuyến” để tìm các nơi cung cấp các nền tảng này.
Cần lưu ý: tìm “nền tảng" tức là những phần mềm
mà trên đó ta có thể tự dựng nên một hệ thống để làm ứng dụng của mình. Ví dụ một
doanh nghiệp không phải mua máy tính và phần mềm kế toán để cài đặt trên máy
riêng của mình mà chỉ cần thuê nền tảng để khai báo ra các tham số kế toán trên
phần mềm nền tảng, chạy trên máy tính trên Internet. Còn những ứng dụng trực
tuyến mà từ đó ta chỉ chia sẻ được thông tin, ví dụ mua một khoá học hướng dẫn
chụp ảnh không phải là một dịch vụ điện toán đám mây.
Câu 2. Bộ giám sát hành trình trên xe tải hoặc xe khách hiện
nay, cứ 30 giây một lần lại gửi dữ liệu tốc độ, tọa độ cùng thời điểm lấy tọa độ
của xe về máy chủ giám sát. Với dữ liệu đó, có thể biết được những vi phạm giao
thông nào của lái xe?
Theo quy định hiện nay, tất cả các xe vận tải hành
khách và hàng hoá đều phải gắn các thiết bị giám sát hành trình. Đối với xe
đang chạy cứ 30 giây một lần, các dữ liệu về số xe, số giấy phép lái xe, toạ độ,
tốc độ, thời điểm lấy dữ liệu được truyền về máy chủ giám sát hành trình (tham
khảo Thông tư 09/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải).
Với thông tin này, một số vi phạm của lái xe như chạy
quá tốc độ, chạy vào vùng cấm, dừng đỗ ở khu vực không được phép đều bị phát hiện.
Với hệ thống này, Bộ GTVT có thể tổng hợp rất nhanh
tình hình an toàn giao thông hay hoạt động của hệ thống giao thông khi cần thiết.
--- THE END ---